Sáng ngày 16/7/2019 nước khoáng Miocen đã đồng hành cùng hội thảo “Từ cuộc chiến Mỹ – Trung đến EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào” do Hội hàng VN chất lượng cao và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại khách sạn REX – TPHCM với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng: Ông Nestor Sherbey – Chuyên gia Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cùng nhiều chuyên gia khác.
Hội thảo sẽ giúp cho các doanh nghiệp thành viên nắm được những thông tin mới nhất, liên quan đến cuộc chiến Mỹ – Trung, cũng như EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang và EVFTA vừa được ký, Việt Nam nổi lên là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Xung đột thương mại giữa hai cường quốc có khả năng đẩy dòng vốn đầu tư sang Việt Nam, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng có thể gây hại đến mối liên kết giữa Trung Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của chuỗi này.
Trong khi đó, EVFTA mở ra cả cơ hội, thách thức cho Việt Nam. Hiệp định này khi hiệu lực dự báo sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng lên và mang lại nhiều lợi thế cho các ngành có thế mạnh của Việt Nam.
Xuất xứ không rõ ràng sẽ bị phạt nặng
Theo ông Nestor Sherbey nhấn mạnh với những sản phẩm lắp ráp thường phải sử dụng một phần, hoặc nhiều cấu phần nhập khẩu từ các quốc gia khác, cần phải xem xét kỹ xuất xứ, hải quan Mỹ không có nhiệm vụ phải chấp nhận 100% các giấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam cấp cho doanh nghiệp là đúng, tự chúng tôi sẽ đi điều tra để biết rõ xuất xứ mặt hàng đó có đúng đến từ Việt Nam không. Thế nên, doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng vào Mỹ phải công khai hàng hóa trong hồ sơ, nếu cung cấp không chính xác phải chịu trừng phạt rất nặng nề từ phía hải quan Mỹ”.
Hoặc nếu có dấu hiệu lừa đảo với hàng tạm nhập tái xuất, cũng bị trừng phạt nặng do Mỹ có thỏa thuận thông tin về xuất xứ với nhiều cơ quan hải quan các quốc gia thế giới, nên thông tin bao quát và “khó qua mắt được họ”.
Dẫn thông tin từ hải quan bảo vệ biên giới Mỹ, trụ sở đặt tại Thái Lan, ông Nestor Sherbey cho biết, 90% hồ sơ vụ việc tổ chức này đang giải quyết là hàng từ Trung Quốc, chuyển qua Thái Lan, rồi chuyển qua Việt Nam sản xuất, lấy xuất xứ từ Việt Nam để xuất đi Mỹ.
Bài học từ thép còn “nóng hổi”
Thông tin tại hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, từ chiến tranh thương mại đang chuyển dần sang chiến tranh công nghệ và hiện Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về công nghệ. Với Việt Nam, trong ngắn hạn, hàng xuất sang Mỹ sẽ tăng. Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh lưu ý, việc Việt Nam tăng nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc, mà những mặt hàng này Trung Quốc đang bị Mỹ tăng thuế, bao gồm hàng quá cảnh, là điều cần xem xét kỹ.
Dẫn con số xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Mỹ, TS Vũ Thành Tự Anh nói: “Bài học từ thép Việt Nam sang Mỹ mới bị áp thuế nặng vẫn là bài học lớn cho hàng xuất khẩu. Khi tỷ lệ tăng nhập hàng hóa từ Trung Quốc lại tương đương tỷ lệ tăng xuất sang Mỹ, cơ quan quản lý phải phân tích kỹ vấn đề này”.
Chẳng hạn, trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu nội thất của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 35%, xuất khẩu nội thất từ Việt Nam sang Mỹ tăng 35%; nhập khẩu hàng điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 81%, nhưng xuất khẩu hàng điện tử từ Việt Nam sang Mỹ tăng 72%…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong dài hạn Việt Nam nên tranh thủ các lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, nhằm tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.
Theo: thegioihoinhap.vn